Lời mở đầu
Trong cuộc sống, không phải bao giờ cũng tròn xoe như quy định của pháp luật. Nhiều trường hợp đi đường bị cướp giật thì người bị giật chỉ hô: cướp! cướp! Chỉ khi mọi người hỏi thì bị hại mới nói: “Nó giật mất túi xách của tôi”. Kẻ có hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền sau khi đã vay được một cách hợp pháp thì bị hại cho rằng mình bị lừa đảo; kẻ trộm vào nhà bị chủ nhà đuổi bắt cũng chỉ hô “cướp”, chứ ít ai hô “trộm”! Nhiều người nhặt được của rơi đem nộp cho công an, nhưng nhiều người chiếm làm của riêng hoặc bắt chủ sở hữu phải “chuộc”. Có người mượn xe của người quen, rồi nhân tiện chở khách kiếm tiền, nói là mượn một ngày nhưng một tuần sau mới trả. Có kẻ quá khích đã đập phá tài sản của người khác làm cho tài sản bị hư hỏng hoặc không dùng được nữa. Có người vì thiếu trách nhiệm nên đã gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhưng lại cho rằng mình đã làm hết trách nhiệm…
Trong quan hệ hôn nhân, nhiều hành vi pháp luật quy định là tội phạm nhưng người phạm tội thì cho rằng đó là phong tục, tập quán! Trong gia đình, chuyện chồng đánh vợ, bố mẹ đánh con cái, thậm chí con cái đánh cả cha, mẹ, ông bà nhưng họ cho rằng đó là chuyện “nội bộ” của gia đình. Có người trốn ra nước ngoài đẻ thuê, mang tiền về nuôi con và phụng dưỡng cha mẹ vì họ nghĩ rằng “cực chẳng đã” chứ họ không muốn làm như vậy…
Kể từ ngày 01-01-2018, các hành vi nói trên, nếu đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý theo quy định tại Chương XVI (Các tội xâm phạm sở hữu) và Chương XVII (Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình) được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015* được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Trên thực tế, nhận thức về pháp luật nói chung, nhất là pháp luật về hình sự của nhiều người còn hạn chế; các cơ quan tiến hành tố tụng ở nhiều nơi còn chưa thống nhất nên nhiều vụ án kéo dài, phải điều tra lại nhiều lần, gây nghi ngờ và bức xúc cho dư luận. Mặt khác, các tội xâm phạm sở hữu, cũng như các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình của Bộ luật Hình sự năm 2015 có nhiều điểm mới so với Bộ luật Hình sự năm 1999. Vì vậy, việc hiểu và áp dụng các quy định đối với các tội phạm này tại Chương XVI và Chương XVII của Bộ luật Hình sự năm 2015 trong việc đấu tranh và phòng ngừa tội phạm là rất quan trọng.
Tiếp theo các cuốn: “Bình luận Bộ luật Hình sự năm 2015 (Phần thứ hai – Các tội phạm), Chương XIV: Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người”; “Bình luận Bộ luật Hình sự năm 2015 (Phần thứ hai – Các tội phạm), Chương XV: Các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân; Chương XXIII: Các tội phạm về chức vụ”, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phối hợp với tác giả Đinh Văn Quế cho ra mắt cuốn sách “Bình Luận Bộ Luật Hình Sự Năm 2015 -Phần Thứ Hai Các Tội Phạm- Chương XVI: Các Tội Xâm Phạm Sở Hữu – Chương XVII: Các Tội Xâm Phạm Chế Độ Hôn Nhân Và Gia Đình”.
Dựa vào các quy định của Chương XVI và Chương XVII, đối chiếu với thực tiễn, tác giả đã giải thích một cách khoa học về cácdấu hiệu cấu thànhcác tội xâm phạm xâm phạm sở hữu, các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình, đồng thời nêu ra một số vấn đề vướng mắc trong thực tiễn áp dụng cần tiếp tục hoàn thiện.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách này đến tất cả bạn đọc!
Hà Nội, tháng 8 năm 2019
Đinh Văn Quế