Toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã có tác động mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực pháp luật. Việc ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những công nghệ nền tảng như Internet vạn vật (lo T), dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain), điện toán đám mây (cloud computing), công nghệ in 3D, thiết bị tự lái, thế hệ mạng di động thứ năm (5G) đã có những tác động mạnh mẽ tới lĩnh vực pháp luật dân sự, đòi hỏi nhà lập pháp phải có sự điều chỉnh tương ứng nhằm đáp ứng yêu cầu xã hội trong tình hình mới.
Tiến trình hội nhập quốc tế và phát triển của Việt Nam đòi hỏi pháp luật dân sự phải được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong bối cảnh này, việc nghiên cứu hoàn thiện pháp luật dân sự bao hàm Luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Tố tụng dân sự với tư cách là thành tố cốt lõi của luật tư là một yêu câu khách quan.
Với tâm huyết và tinh thần trách nhiệm, nhóm giảng viên của Khoa Pháp luật Dân sự, Trường Đại học Luật Hà Nội và các tác giả đã biên soạn cuốn sách “Pháp luật dân sự Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” nhằm nhận diện những tác động của hội nhập quốc tế, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với pháp luật dân sự Việt Nam, xác định những vẫn để pháp lý đặt ra, nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài, từ đó đưa ra những gợi mở, khuyến nghị cho việc hoàn thiện pháp luật dân sự Việt Nam phù hợp với hoàn cảnh của nước ta và yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế.