X ét xử sơ thẩm là giai đoạn trung tâm của tiến trình tố tụng giải quyết vụ án hình sự. Giới hạn xét xử sơ thẩm và tính tranh tụng của phiên tòa sơ thẩm có thể được xem như là những điều kiện cần thiết do luật định đảm bảo cho Tòa án thực hiện chức năng xét xử của mình đúng đắn và hiệu quả.
Giới hạn xét xử sơ thẩm là một trong những chế định của tố tụng hình sự hiện diện rất sớm trong pháp luật tổ tụng hình sự ở nước ta. Quy định về giới hạn xét xử sơ thẩm trong Bộ luật Tố tụng hình sự đầu tiên năm 1988 (Điều 170) đã được kế thừa và sửa đổi trong Bộ luật Tổ tụng hình sự năm 2003 (Điều 196) và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 hiện hành (Điều 298) theo hướng Tòa án có quyền xét xử bị cáo theo tội danh nặng hơn so với tội danh mà Viện kiểm sát truy tố (khoản 3 Điều 298 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015). Xu thế lập pháp này cho thấy quy định về giới hạn xét xử sơ thẩm đã có những xung đột với tinh thần cải cách tư pháp đang diễn ra ở nước ta, xung đột với những nguyên tắc hiến định như nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của bị can, nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng hình sự. Việc áp dụng quy định về giới hạn xét xử sơ thẩm ngay từ Bộ luật Tố tụng hình sự đầu tiên năm 1988 cho đến nay vẫn còn một số vướng mắc. Ở góc độ lý luận, đề tài này thu hút sự quan tâm chú ý của những người làm công tác nghiên cứu khoa học và giảng dạy tại các cơ sở đào tạo luật với nhiều công trình nghiên cứu ở các mức độ khác nhau nhưng đến nay vẫn chưa có sự thống nhất nhận thức chung, vẫn tồn tại hai nhóm quan điểm trái ngược nhau về chế định này.
Tranh tụng trong xét xử được Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 ghi nhận như là nguyên tắc hiến định. Tuy nhiên để có phiên tòa sơ thẩm có tính tranh tụng đòi hỏi khách quan nhiều điều luật liên quan đến phiên tòa sơ thẩm, quyền và nghĩa vụ của các bên tranh tụng, của Tòa án phải được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với nội dung của nguyên tắc này.
Cuốn sách Giới hạn xét xử sơ thẩm trong tố tụng hình sự của tác giả PGS.TS. Nguyễn Thái Phúc là tập hợp 05 bài viết từ năm 2003 đến nay về giới hạn xét xử sơ thẩm, tranh tụng và tăng cường tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm.