Pháp lý của doanh nghiệp hiểu một cách thực tiễn là pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp trong quan hệ đối ngoại hay đối nội thì đều phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật.
Trong hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp thường phải đối mặt với rất nhiều rủi ro như: tài chính, nhân sự, thị trường, chính sách, pháp luật. Từ điển Oxford định nghĩa rủi ro là một “nguy cơ hay khả năng gây nguy hiểm, thiệt hại, tổn thất hoặc các hậu quả tiêu cực khác”. Còn theo khía cạnh pháp lý, từ điển Black’s Law giải nghĩa rủi ro là: “sự mất mát, nguy hiểm hoặc khả năng gây tổn thất”. Dù theo nghĩa từ kinh tế học hay pháp lý, tựu chung khái niệm rủi ro được coi là sự bất trắc không mong đợi và gây ra hậu quả tiêu cực. Doanh nghiệp phải đối mặt với rủi ro pháp lý là khi một sự kiện pháp lý xảy ra làm thiệt hại về mặt vật chất (tài sản, tiền bạc) hoặc tổn hại tinh thần (mất uy tín, thương hiệu, thậm chí hình phạt tù với cán bộ quản lý liên quan tới vụ việc.
Rủi ro pháp lý trong kinh doanh là rủi ro xảy ra bởi các hành vi pháp lý trong quá trình kinh doanh. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến rủi ro pháp lý phát sinh từ việc không biết, thực hiện không đúng hoặc không thực hiện quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh. Về rủi ro pháp lý, các nhà quản trị cấp cao, nhất là ở những quốc gia phát triển thường áp dụng chính sách không khoan nhượng khi cán bộ, nhân viên có những hành vi vi phạm pháp luật. Vì thế, rủi ro pháp lý nên được phòng tránh tuyệt đối chứ không thể chấp nhận như các rủi ro khác.
Để bạn dễ hiểu hơn về rủi ro pháp lý trong kinh doanh, chúng tôi sẽ trình bày theo bốn nhóm sau:
1) Rủi ro vi phạm luật hình sự
Là khả năng doanh nghiệp và/hoặc người quản lý điều doanh nghiệp vi phạm quy định cấm trong Bộ Luật hình sự dẫn đến bị khởi tố, điều tra, xét xử và phải gánh chịu những hình phạt rất nặng như: phạt tiền, phạt tù. Ví dụ: cấm trốn thuế – tội trốn thuế; cấm buôn bán hàng giả – tội buôn bán hàng giả; cấm gây ô nhiễm môi trường – tội gây ô nhiễm môi trường.
2) Rủi ro bị xử phạt hành chính
Xử phạt hành chính là một loại chế tài nghiêm khắc và phổ biến. Nhà nước thường áp dụng với các nhân, doanh nghiệp khi vi phạm pháp luật mà tính chất nguy hiểm chưa đến mức tội phạm. Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012: “Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật”. Để đảm bảo trật tự, lợi ích chung của xã hội và quyền quản lý của mình, Nhà nước quy định những điều kiện, thủ tục mà doanh nghiệp phải thực hiện khi kinh doanh, nếu không thực hiện sẽ bị xử phạt hoặc có những quy định cấm nếu ai vi phạm sẽ bị xử phạt.
3) Rủi ro pháp lý trong quan hệ với đối tác
Đối tác của doanh nghiệp thường bao gồm: khách hàng, nhà cung cấp, các bên liên doanh, liên kết, hợp tác trong kinh doanh. Quan hệ giữa doanh nghiệp với đối tác là quan hệ dân sự, dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tự thỏa thuận và tự chịu trách nhiệm. Rủi ro pháp lý phổ biến khi quan hệ với đối tác là rủi ro trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng.
Ví dụ: Hợp đồng mua bán hàng hóa; hợp đồng dịch vụ; hợp đồng đại lý; hợp đồng hợp tác đầu tư; hợp đồng nhượng quyền thương mại. Hậu quả của rủi ro là các bên không đạt được mục đích của hợp đồng, mất tiền, mất uy tín và mất thời gian khi phải nhờ tòa án hoặc trọng tài giải quyết.
4) Rủi ro pháp lý trong quan hệ nội bộ doanh nghiệp
Quan hệ nội bộ doanh nghiệp thường là quan hệ giữa các thành viên, cổ đông (nhà đầu tư góp vốn) với cán bộ quản lý điều hành và quan hệ giữa doanh nghiệp với người lao động. Khi quan hệ nội bộ bất đồng, tranh chấp nổ ra thì kéo theo những hệ lụy như cổ đông kiện cán bộ điều hành, cán bộ quản lý kiện nhau và người lao động kiện doanh nghiệp. Nhiều công ty đã thua lỗ, giải thể, phá sản không phải vì kinh doanh kém mà vì những cuộc “nội chiến thương tàn”.
Tóm lại: “Quản Trị Rủi Ro Pháp Lý Trong Kinh Doanh” được hiểu là: quá trình tiếp cận rủi ro pháp lý một cách khoa học và có hệ thống nhằm nhận diện, đánh giá, kiểm soát, phòng ngừa và giảm thiểu những tổn thất, mất mát, ảnh hưởng bất lợi của rủi ro, đồng thời tìm cách biến rủi ro pháp lý thành những cơ hội kinh doanh thành công
Để bạn hiểu hơn về chủ đề khó hiểu những cũng rất hấp dẫn này, tôi xin giới thiệu với bạn cuốn sách “Quản Trị Rủi Ro Pháp Lý Trong Kinh Doanh ”, dưới đây:
MỤC LỤC
Chương 1: SỰ THẬT ÍT NGƯỜI BIẾT VỀ RỦI RO PHÁP LÝ TRONG KINH DOANH
Thua kiện, Vietnam Airlines mất 5,2 triệu Euro
Quản trị rủi ro pháp lý trong kinh doanh là gì?
Cách ứng xử với rủi ro pháp lý
Chương 2: RỦI RO VI PHẠM LUẬT HÌNH SỰ
Những con số khiến bạn giật mình
Pháp nhân thương mại phạm tội
Càng cao danh vọng, càng đầy gian nan
Giải phá phòng tránh vi phạm luật hình sự
Các ứng xử khi công an triệu tập, tạm giữ
Bài tập ứng dụng
Chương 3: RỦI RO BỊ XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH
Quy định chung về xử phạt hành chính
Sạt nghiệp vì xử phạt
Cách phòng tránh xử phạt hành chính
Chuẩn bị gì khi Cơ quan quản lý thanh kiểm tra?
Bài tập ứng dụng
Chương 4: RỦI RO PHÁP LÝ TRONG QUAN HỆ VỚI ĐỐI TÁC
Tin bạn mất vợ
Mất lòng trước, được lòng sau
Xác lập bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
Rủi ro của doanh nghiệp thời hội nhập
Dùng trọng tài để xứ lý tranh chấp
Bài tập ứng dụng
Chương 5: RỦI RO PHÁP LÝ TRONG QUAN HỆ NỘI BỘ
Nội chiến thương tàn
Yêu nhau rào giậu cho kính
Làm gì khi phải ra Tòa?
Bài tập ứng dụng
Chương 6: XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP
Lựa chọn cố vấn pháp lý
Cách đánh giá mức độ rủi ro pháp lý
Vững pháp lý – Nắm thành công?
Bài tập ứng dụng
LỜI KẾT
PHỤ LỤC : Vụ án hủy bỏ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế